Gia Lai: Thúc đẩy cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử

10/05/2021
(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 505/UBND-NC về thúc đẩy cải cách hành thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới thực hiện cơ chế một cửa và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành.
heo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hoàn thành mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ TTHC trong năm 2021. Trong đó, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp.
 
Các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã chủ động, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
 
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ hoàn thành xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu lưu trữ kết quả số hóa giải quyết TTHC điện tử của tỉnh; tổ chức hướng dẫn các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực.  UBND cấp huyện, cấp xã chủ trì, phối hợp với bưu điện các cấp thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện, cấp xã. Trường hợp UBND cấp xã chưa thực hiện thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công sang bưu điện thì địa phương chủ động, phối hợp với UBND cấp huyện, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị.
Về công tác xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã chủ động, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện mở rộng việc sử dụng văn bản điện tử (trừ văn bản mật), chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử, bảo đảm đồng bộ trong triển khai thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, không gửi kèm bản giấy, thực hiện lưu trữ điện tử và hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2021.
 
Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng các chế độ báo cáo điện tử của địa phương theo yêu cầu tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tại các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh để tích hợp với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm hiển thị theo thời gian thực.
 
Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC theo hướng đơn giản, thuận lợi, cắt giảm chi phí trước khi xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại địa phương trước khi cung cấp, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường mạng.
 
Về công tác tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC. Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích khi thực hiện TTHC theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tự nguyện (có bảng công khai và hướng dẫn sử dụng dịch vụ bưu chính công ích tại bộ phận một cửa các cấp).
 
Giám đốc các sở, ban ngành tỉnh, giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát, chấn chỉnh kịp thời việc nhân viên bưu điện chưa thực hiện hướng dẫn tổ chức, cá nhân về dịch vụ bưu chính công ích, cũng như khi chưa được sự đồng ý của khách hàng mà đã lập phiếu chuyển phát nhanh, thu cước trả kết quả, dẫn đến trường hợp gây bức xúc cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
 
Giao Văn phòng UBND tỉnh, Đoàn Kiểm tra Cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận một cửa các cấp theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP  của Chính phủ và Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với trường hợp vi phạm (nếu có).