Hiệu quả từ mô hình nuôi dê sinh sản ở xã Chư Drăng

30/11/2021
   Tháng 02/2020, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã Chư Drăng đã triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản cho hộ ông Nay Hoa ở buôn Ia Jip. Sau hơn 1 năm rưỡi thực hiện, mô hình đã đem lại những tín hiệu đáng mừng, mở ra hướng phát triển mới cho đồng bào Jrai nơi đây.
hinh-mo-hinh-de-SS-(3).jpg
   Với số tiền được vay 50 triệu đồng, lãi suất thấp từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình ông Nay Hoa đã đầu tư mua 11 con dê giống hết 44 triệu, còn 6 triệu đầu tư làm chuồng trại, mua dây thép gai rào đất rẫy để thực hiện mô hình. Sau 3 năm, chương trình sẽ thu hồi lại vốn gốc cho vay ban đầu để tiếp tục cho các hộ khác vay. Ông Nay Hoa chia sẻ, “Trước đây gia đình chủ yếu nuôi bò pha lai và trồng mì, trồng điều. Tuy nhiên, thu nhập hàng năm không cao, năm được, năm mất... nên gia đình mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi dê. Với diện tích đất rẫy gần 4 ha, chỉ trồng mì một nửa, diện tích còn lại dùng làm nơi chăn thả, phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, gia đình cũng trồng thêm cỏ trong vườn để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dê, đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, kịp thời phát hiện một số bệnh thông thường mà dê hay mắc như bệnh đường ruột, lở mồm, long móng, viêm phổi, mù mắt…”.
   Nhờ đựơc chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật đàn dê của gia đình ông Hoa phát triển nhanh, số lượng gia tăng hàng năm. Đến nay, đàn dê phát triển được hơn 42 con, gia đình đã xuất bán được 18 con dê thu về hơn 40 triệu đồng. Có thể thấy, từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, hộ ông Nay Hoa đã có trong tay mô hình nuôi dê hiệu quả kinh tế cao, an toàn vốn. Thời gian tới, gia đình ông tiếp tục sửa sang lại chuồng trại, chăm sóc thật tốt đàn dê để phát triển lâu dài.
   “Để đàn dê sinh trưởng tốt thì không để dê ăn thức ăn còn đọng sương tránh các bệnh đường ruột. Mùa nắng pha nước muối loãng cho dê uống tăng sức đề kháng. Nơi chăn thả phải làm một cái chòi cho dê tránh nắng và nghỉ ngơi và tránh những cơn mưa bất chợt vì dê là loài vật dễ mắc bệnh khi gặp mưa. Chuồng trại phải vệ sinh hàng tuần, phun thuốc xịt muỗi và côn trùng. Khi đi chăn thả, con nào ăn kém, hay chui vào bụi, mình không biết bệnh gì phải đi gặp thú y ngay để họ cho thuốc. Từ lúc nuôi dê đến nay, đàn dê của gia đình không có con nào bị chết bởi bệnh tật. Hiện số dê bán đi đã đủ vốn vay. Thời gian tới gia đình sẽ tăng đàn lên 100 đến 200 con”-ông Hoa phấn khởi cho biết thêm.
   Xã Chư Drăng có địa hình đồi núi rộng lớn, nhiều đồng cỏ tự nhiên rất phù hợp để chăn nuôi dê. Bên cạnh đó, dê là con vật dễ nuôi, khỏe mạnh, ít bệnh tật, không lệ thuộc về khâu thức ăn, sinh sản nhanh, thị trường tiêu thụ đang ở mức cao. Do đó, mặc dù không phải là con vật nuôi mới nhưng thời gian gần đây, khá nhiều nông dân vùng đất này lựa chọn. Tuy nhiên, mô hình như của gia đình ông Hoa sẽ là một mô hình kinh tế mới trong phát triển kinh tế hộ, bởi ông là nông dân đầu tiên ở xã Chư Drăng không nuôi dê nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống mà phát triển thành đàn và rào chắn khu vực nuôi. Ông Nay Ly-Chủ tịch Hội nông dân xã Chư Drăng cho biết: “Mô hình nuôi dê đàn sinh sản của gia đình ông Nay Hoa thành công ở chỗ là đàn dê phát triển rất nhanh, khỏe mạnh, hầu như không bệnh tật. Và mô hình này được xem là một hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trước tiên chúng tôi sẽ tìm cách giới thiệu rộng rãi mô hình này để cho nông dân trong xã học học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt được cách làm, sau đó sẽ tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ để họ mua con giống, nhất là hỗ trợ các hộ nghèo của xã”.
  Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hộ nông dân Nay Hoa đã thành công bước đầu với mô hình nuôi dê sinh sản, giúp gia đình có động lực làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp đời sống bà con tại địa phương thêm ổn định./. 
                           Ngô Thu-Trung tâm VH, TT&TT huyện Krông Pa