12/11/2024
Người có uy tín tiêu biểu (NCUTTB) trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng là một bộ phận thuộc hệ thống chính trị cơ sở. Giai đoạn hiện nay, vai trò của NCUTTB trong cộng đồng DTTS còn có ý nghĩa góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu phát triển xã hội.
Khái quát đặc điểm tình hình dân tộc, công tác NCUTTB và vai trò của họ trong cộng đồng DTTS ở tỉnh Gia Lai
Đặc điểm về dân tộc, tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc cùng sinh sống, DTTS chiếm trên 46,23% trong tổng số hơn 1,5 triệu dân (dân tộc Jrai 30,37%, dân tộc Bahnar 12,51%, các dân tộc khác 3,35%); phân bố ở 176/220 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Hiện nay, DTTS ở Gia Lai được chia làm 2 khối: Khối các DTTS tại chỗ (có ở đây từ trước khi người Kinh và một số DTTS khác di cư đến), chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar, chiếm khoảng 42,88%; còn lại, khối DTTS ở các miền di cư đến trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trước đây, các dân tộc tại chỗ ở Gia Lai cư trú thành những khu vực khá độc lập, có thể nhận diện qua định danh đơn vị hành chính các cấp. Ngày nay, do tác động của quá trình di dân và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, các dân tộc sinh sống xen kẽ với nhau. Tuy thế, ở đơn vị buôn/làng, rộng hơn có một số xã, quan hệ đồng tộc vẫn giữ nguyên.
Đặc điểm, công tác về người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng DTTS
Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên, các DTTS ở Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp. Cùng với người đứng đầu các bộ tộc, người có uy tín trong buôn/làng được gọi là già làng, trưởng bản giữ vai trò quản lý xã hội theo luật tục. Vai trò này được duy trì cho đến ngày nay, với tên gọi phổ biến Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Về công tác NCUTTB, hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức Hội nghị gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS, biểu dương khen thưởng hàng nghìn người có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội ở vùng đồng bào DTTS; phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện chế độ chính sách với người có uy tín, như: cung cấp tài liệu, báo chí; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
Vai trò quan trọng của người có uy tín tiêu biểu ở buôn/làng gắn liền với sự phát triển mọi mặt ở cơ cở. Đến nay các buôn/làng đồng bào DTTS được định canh, định cư ổn định; các vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS cơ bản được giải quyết; chính sách đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ học sinh, sinh viên đồng bào DTTS vượt khó học tập tiếp tục được quan tâm; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình được chú trọng; chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS được quan tâm thực hiện: Các lễ hội, làng nghề truyền thống, nhạc cụ dân tộc, các hình thức văn hóa dân gian được bảo tồn, phục dựng, phát huy; các nguồn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình khó khăn, vùng bị thiên tai bão lũ luôn được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng đối tượng... đều có đóng góp của những người “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai năm 2022
Nhận diện các luận điệu sai trái, xuyên tạc về NCUTTB trong đồng bào DTTT
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động cho rằng việc đề ra, triển khai, thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS có vai trò, trách nhiệm của NCUTTB nhưng thực chất là “lợi dụng” người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng DTTS dùng Luật tục của dân tộc mình để giải quyết vấn đề xã hội là cách dùng “bình mới” chứa “rượu cũ” để gọi là “bảo tồn, phát huy”. Mặt khác, hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc nhằm làm phong phú thêm giá trị văn hóa của dân tộc mình có tác động của tín ngưỡng, tôn giáo, thành tựu giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, phương thức sản xuất… thì chúng lại bóp méo, cho rằng đó là sự áp đặt văn hóa nhằm từng bước làm biến mất bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ.
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc về chính sách phát triển kinh tế dành cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, khi mà sinh cảnh của vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên với đặc trưng kinh tế lúa rẫy và dựa vào rừng bị thu hẹp, có nơi bị biến mất. Từ đó chúng kích động người dân, rằng các chương trình tái định cư, định canh cho bất cứ mục tiêu nào cũng chỉ là hình thức giành đất của người dân vì lợi ích cá nhân, của nhóm người có quyền đề ra và tổ chức thực hiện chính sách.
Thứ ba, ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có vị trí địa-chính trị hết sức quan trọng đối với quốc phòng-an ninh của Việt Nam nhưng điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, trình độ học vấn của đồng bào DTTS còn hạn chế. Xuất phát từ tình hình thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh các xã vùng biên giới thuộc địa bàn sinh sống của nhiều DTTS; thực hiện cuộc vận động“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người dân có đất đai canh tác; cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán; tạo công việc làm ổn định đời sống. Tuy nhiên, nhiều đối tượng, thế lực xấu đã phủ nhận những nỗ lực vì con người này, còn cho rằng, Đảng và Nhà nước lôi kéo NCUTTB vào hệ thống chính trị cơ sở là dùng người Thượng để xoa dịu, giải quyết những mối bức xúc của người Thượng.
Tiếp tục phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của NCUTTB trong vùng đồng bào DTTS ở cơ sở trong giai đoạn mới
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, đòi hỏi phải có những biện pháp thiết thực, hữu hiệu phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đội ngũ NCUTTB trong cộng đồng DTTS ở cơ sở cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò nêu gương ở mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở theo phương châm “Nói đi đôi với làm”; “Nói ít, làm nhiều”; phát huy tinh thần “Dân làm chủ, dân là chủ” trong mọi hoạt động ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của NCUTTB ở vùng đồng bào DTTS gắn với việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách về các lĩnh vực đời sống xã hội trong tình hình mới.
Thứ hai, các nội dung thông qua NCUTTB tuyên truyền, vận động bà con tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động cần phải cụ thể, cô đọng, dễ hiểu hơn thuận lợi cho cả người nói và người nghe, người làm theo. Cấp ủy, chính quyền cầu thị lắng nghe đóng góp ý kiến của NCUTTB, vì đây là kênh thông tin được bà con gửi gắm, thay lời nói hộ. Việc làm của NCUTTB ở vùng đồng bào DTTS là “điểm tựa tinh thần của cộng đồng”, địa chỉ tin cậy của hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, hạn chế khá phổ biến của NCUTTB là trình độ học vấn nên việc nắm bắt các thông tin mới còn khó khăn. Vì vậy, công tác NCUTTB cần chú trọng tiêu chí trẻ hóa, có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng. Thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn (không quá 5 ngày) nghiệp vụ công tác tuyên truyền vận động quần chúng cơ sở. Tăng cường hoạt động thực tế để giao lưu học hỏi kinh nghiệm giúp họ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò NCUTTB trong cộng đông DTTS cần cụ thể cơ chế công tác; có chế độ chính sách “động viên” cho đội ngũ này để tạo điều kiện, động lực hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ. Các cơ chế, chính sách có thể mang tính đặc thù theo tỉnh, theo vùng nhưng chặt chẽ, tránh sự chồng chéo; phù hợp với pháp luật để tăng cường tiềm lực NCUTTB vùng DTTS trong tình hình mới.
RƠ Ô TRÚC - Trường Chính trị tỉnh Gia Lai