Những bông hoa trên vùng đất “khát” Krông Pa

17/10/2024
Với khí hậu khắc nghiệt, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) được mệnh danh là “Chảo lửa”, “Vùng đất khát" của vùng Tây Nguyên. Thế nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn luôn tự tin tỏa sáng trên các lĩnh vực. Họ như những bông hoa giữa núi rừng, tỏa hương làm đẹp cho đời.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà là những nhận xét của mọi người dân về chị Nguyễn Thị Miền (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thanh Bình, xã Uar). Rời quê hương Thái Bình theo chồng vào huyện Krông Pa lập nghiệp từ năm 1985, cuộc sống gia đình chị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với bản tính chịu thương, chịu khó, chị cùng chồng chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. 39 năm gắn bó với mảnh đất Krông Pa, gia đình chị đã có trong tay 4,5ha đất canh tác với đủ phương tiện sản xuất từ máy xới, máy cày, xe công nông và một ngôi nhà khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong sản xuất, chị Miền cho hay: “Hàng năm, gia đình canh tác 2ha mì, 2,5ha luân canh lúa, bắp và thuốc lá. Tận dụng nguồn chất thải từ đàn vật nuôi gồm 5 con bò và hơn 100 con vịt, chị tiến hành ủ phân hữu cơ từ phân bón, trấu và men vi sinh để cải tạo đất canh tác. Ngoài việc đưa giống mới, năng suất cao vào sản xuất, chị áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho toàn bộ diện tích để nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình chị lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
f6dacf4ed4bb6de534aa.jpg
Ảnh: Chị Nguyễn Thị Miền đang nghiên cứu các văn bản, chỉ thị của cấp trên để triển khai công việc đạt hiệu quả.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, chị Miền tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, tham gia các phong trào, cuộc vận động, chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 7 năm đảm nhận vai trò “người vác tù và hàng tổng”, chị Miền luôn được cán bộ và nhân dân tin yêu, tín nhiệm. Với mỗi chương trình, kế hoạch, chị đều đưa ra bàn luận tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn để lấy ý kiến số đông, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi triển khai thực hiện, bản thân chị phải là người gương mẫu đi đầu để làm gương.
Tiêu biểu như phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, bản thân gia đình chị đã tiên phong hiến hơn 300 m2 đất để làm đường ra khu sản xuất, tạo điều kiện cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa. Noi gương chị, từ năm 2020 đến nay, cán bộ và nhân dân trong thôn đã hiến hàng trăm m2 đất để mở rộng hơn 1km đường giao thông nông thôn, đóng góp kinh phí duy trì gần 2km đèn đường chiếu sáng. Toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo. “Đàn ông đảm nhận trọng trách xã hội khó khăn một thì phụ nữ khó khăn gấp 10. Vì vậy, để làm tốt công tác xã hội, vừa chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, tôi phải bố trí thời gian hợp lý. Trong công việc, nguyên tắc dân chủ luôn được đặt lên hàng đầu. Trong gia đình, tôi tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chồng con. Đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành, lấy mình làm gương để bà con học tập làm theo”-chị Miền trải lòng.
Mặc dù mới đảm nhận cương vị Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Tieng (xã Uar) gần 3 năm nay, nhưng chị Rah Lan H’Nguit đã được chính quyền địa phương cùng các Hội, đoàn thể đánh giá cao bởi tinh thần luôn cầu thị học hỏi, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với mục tiêu tạo sân chơi bổ ích rèn luyện sức khỏe, thu hút chị em vào Hội, chị thành lập Câu lạc bộ bóng chuyền nữ gồm 12 thành viên. Nhờ thường xuyên tập luyện, vừa qua, tại giải bóng chuyền do xã tổ chức, Câu lạc bộ của thôn đã xuất sắc giành chức vô địch. Ngoài ra, chị cũng duy trì các mô hình “Phụ nữ tiết kiệm từ 5-10 triệu đồng”, “Mỗi gia đình một cây ăn trái, một vườn rau xanh”. Đến nay, khoảng 60% hội viên phụ nữ buôn có vườn rau sạch vừa cải thiện bữa ăn, vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
IMG_0419.JPG
Ảnh: Chị Rah Lan H’Nguit, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ buôn Tieng với mô hình nuôi bò nhốt chuồng
Đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, chị là một trong những người tiên phong đi đầu trong di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn và chuyển từ hình thức chăn thả sang nuôi nhốt chuồng. Chị trồng 1 sào cỏ, rau xanh và mua rơm tích trữ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi gồm 10 con bò và 4 con heo rừng lai. Mô hình nuôi nhốt chuồng không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn giúp gia đình tiết kiệm được thời gian chăn thả, tận dụng nguồn phân bón cải tạo ruộng rẫy hoặc bán tăng thu nhập. Từ mô hình điểm của gia đình chị, nhiều chị em phụ nữ đã học tập, làm theo. “Cùng với tuyên truyền vận động hội viên tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, tôi tích cực hướng dẫn chị em cách thức làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Năm 2024, chi hội phát triển được 3 hội viên mới, phấn đấu cuối năm, chi hội giúp 1 hội viên thoát nghèo”-chị H’Nguit chia sẻ.
Chị Giang Thị Thu-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Uar-đánh giá: Thay vì chỉ chăm lo cho gia đình và phát triển kinh tế như trước đây, hiện nay, nhiều phụ nữ trong xã đã mạnh dạn tự tin giữ các vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội. Trong đó, chị Miền, chị H’Nguit là những điển hình tiêu biểu. Năng nổ, nhiệt tình trong công việc, các chị được bà con tin yêu, quý mến. Các mô hình phát triển kinh tế của 2 chị được nhiều chị em học hỏi làm theo, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Cùng với chị Miền, chị H’Nguit, Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Drăng Ksor H’Druin cũng là cán bộ nữ tận tụy với công việc. Miệt mài với công tác thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khốn khó vơi bớt phần nào cơ cực là điểm nổi bật trong công tác của Hội LHPN xã. Chị H’Druin chia sẻ: “Trong 3 năm qua, chị cùng Ban Chấp hành Hội LHPN xã nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi và phối hợp với chi hội 5 thôn, buôn nhận đỡ đầu 5 em học sinh mồ côi tại địa phương. Không chỉ động viên về mặt tinh thần, hướng dẫn các em trong học tập, nhân các dịp lễ, Tết, đầu năm học mới, chị cùng Ban Chấp hành Hội, Chi hội đến thăm, tặng quà cho các em, tạo niềm tin, động lực giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường, theo đuổi giấc mơ con chữ. Nụ cười trên khuôn mặt các em làm ấm lòng tất cả các mẹ đỡ đầu”.
9b41c220c3d57a8b23c4.jpg
Ảnh: Chị Ksor H'Druin, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Chư Drăng tặng quần áo và đồ dùng học tập cho em Ksor Thai
Theo chân chị H’Druin đến thăm em Ksor Thai (SN 2011, buôn Chư Krik, xã Chư Drăng), chúng tôi mới cảm nhận hết nghĩa cử cao đẹp, tính nhân văn của mô hình. Thai mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi, lên 6 tuổi cha em cũng qua đời vì bạo bệnh. Chị em Thai đành sống nương tựa bà ngoại. Nhưng ngoại đã già yếu, không đủ sức lao động nuôi 2 chị em nên Thai có ý định nghỉ học. Nắm được hoàn cảnh gia đình em, Hội LHPN xã nhận đỡ đầu, giúp đỡ thường xuyên cho em. Nhờ vậy, em dần xóa bỏ được mặc cảm, tự ti. Niềm vui, nụ cười xuất hiện trở lại trên khuôn mặt cậu học trò nhỏ.
Bà Ksor H’Rung (bà ngoại Thai) rưng rưng xúc động: “Thương cháu mồ côi nhưng vì tuổi cao, sức yếu, tôi không giúp được gì nhiều. May mắn các cháu được Hội LHPN xã nhận làm con nuôi. Đầu năm học mới, Hội đến tặng sách vở, quần áo mới, đồ dùng học tập và một số nhu yếu phẩm. Nhìn cháu xúng xính trong bộ quần áo mới tiếp tục tới trường, tôi mừng rơi nước mắt. Cảm ơn các chị nhiều lắm”.
Có thể thấy, mỗi người một nhiệm vụ, một công việc, nhưng ở bất cứ lĩnh vực nào dù là chính trị, phát triển kinh tế hay công tác Hội, hình ảnh người phụ nữ trên vùng “đất khát” Krông Pa vẫn luôn tỏa sáng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Các chị đã góp phần xóa bỏ hoàn toàn định kiến về giới và khẳng định vai trò người phụ nữ thời đại mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
NGUYỄN CHI