24/12/2024
Năm 2024 chưa kết thúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đây là động thái quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động, đặt ra thách thức lớn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội cho Việt Nam. Công điện thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, nhằm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Để thực hiện vao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021- 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Ảnh minh hoạ từ Internet
Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương năm 2025 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để phấn đấu đạt kết quả cao nhất; trong đó phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục các hạn chế, bất cập, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án. Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.
Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh- Gọn- Mạnh- Hiệu năng- Hiệu lực- Hiệu quả” theo chủ trương, định hướng của Trung ương và Chính phủ bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững…góp phần cho phát triển kinh tế- xã hội.
Với Công điện 137/CĐ-TTg, năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm bản lề cho những đột phá mới của kinh tế Việt Nam. Quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu, cộng hưởng với nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, hứa hẹn sẽ đưa đất nước tiến xa hơn trên hành trình hội nhập và phát triển. Và, để các giải pháp trở thành hiện thực, cần có sự giám sát chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị.
HOÀNG VĂN VĨNH