Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách ở Krông Pa

18/06/2024
Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Pa đã chủ động nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho Nhân dân vay vốn phát triển kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của NHCSXH huyện bình quân hàng năm đạt 12%. Toàn huyện có 4 tổ chức hội uỷ thác, 241 tổ tiết kiệm vay vốn, với 11.393 khách hàng, tổng dư nợ 542 tỷ đồng, tăng 215 tỷ đồng so với năm 2019
Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 70%. Ngoài các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Krông Pa đặc biệt quan tâm đến các hộ đồng bào DTTS được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để phát triển kinh tế. Nhiều chính sách tín dụng cho vay đã được triển khai thực hiện như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm; trồng mới và chăm sóc rừng, chăn nuôi heo, bò, gia súc, gia cầm… đã mang lại hiệu quả khả quan trong công tác giảm nghèo ở địa phương. 
CSVV.jpg
Ảnh: Cán bộ NHCSXH huyện Krông Pa kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay chính sách tại hộ gia đình ông Kpă Xuyên- TDP7, thị trấn Phú Túc
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cũng đã phối hợp tốt với Phòng Dân tộc huyện, tham mưu UBND huyện kịp thời triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ DTTS; hướng dẫn, phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát các hộ DTTS đặc biệt khó khăn đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn để bình xét, lập danh sách đề nghị UBND huyện phê duyệt làm căn cứ cho NHCSXH tiến hành giải ngân cho vay kịp thời. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Phùng Thị Tố Trinh - Giám đốc NHCSXH huyện Krông Pa cho biết: thông qua các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã với đội ngũ tổ trưởng các tổ tiết kiệm vay vốn tại 77/77 thôn, buôn, tổ dân phố đã hỗ trợ tích cực người dân trong triển khai các chương trình vay vốn, tiếp cận nhanh hơn với nguồn vốn chính sách. Qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện vốn vay, các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, chưa có trường hợp nào phải thu hồi vốn vay trước thời hạn do sử dụng sai mục đích, sai đối tượng; các hộ dân đã mua hàng trăm con bò, dê sinh sản; mua máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và xuất khẩu lao động... đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xóa đói giảm nghèo. 
Giai đoạn 2019 - 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pa đã giải ngân cho 11.550 lượt, hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách với tổng số tiền cho vay 525 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết tháng 5/2024 đạt 542 tỷ đồng/11.393 lượt hộ vay vốn; trong đó, cho vay vùng DTTS và miền núi theo Nghị định 28 của Thủ tướng Chính phủ là 339 hộ; vốn vay đạt 17,5 tỷ đồng; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ là 74 hộ, vốn vay đạt 2,95 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo 2.271 hộ với số tiền dư nợ 98,2 tỷ đồng, vốn vay bình quân 47,57 triệu đồng/hộ và các chương trình tín dụng chính sách khác.
Ông Kpă Xuyên, Tổ dân phố 7 thị trấn Phú Túc chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn vay của NHCSXH, năm 2021 gia đình ông đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu trong tổ dân phố. Hiện nay, gia đình ông tập trung chăn nuôi bò và trồng mỳ cho thu nhập hằng năm đạt từ 100 triệu đồng trở lên.
Để tiếp tục phát huy nguồn vốn chính sách, trong thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác ủy thác. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở mà trực tiếp là chủ tịch UBND xã, thị trấn trong việc quản lý và đầu tư vốn tín dụng chính sách; cho vay phải bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng và phải phối hợp kiểm tra cụ thể tới hộ vay vốn trước, sau khi giải ngân; kiểm soát hiệu quả sau khi cho vay bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng. Tiếp tục phối hợp tổ chức có hiệu quả các phiên giao dịch lưu động tại cơ sở để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vay vốn, trả nợ, thu lãi, tiếp cận dịch vụ ngân hàng và các thông tin… được thuận tiện, tiết giảm chi phí, thực hiện công khai, dân chủ tại cơ sở.
HOÀNG VĂN VĨNH