Krông Pa: tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

09/08/2023
Thời điểm này, tại huyện Krông Pa, thời tiết ban ngày nắng, ban đêm mưa cũng là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển nên số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng cao. Cùng với việc nâng cao năng lực điều trị bệnh, ngành y tế, chính quyền địa phương đã tập trung xử lý các ổ dịch, đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, cùng tham gia phòng dịch.
hinh-ps-sot-xuat-huyet.jpg
Hình ảnh: các bác sỹ hướng người dân cách phòng bệnh sốt xuất huyêt
Tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng trong tháng 7. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã ghi nhận 45 ca sốt xuất huyết ở 6 thôn, buôn, trong đó tập trung nhiều nhất ở thôn Thim và buôn Mlah. Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, địa phương đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, loại bỏ các vật phế thải chứa nước quanh nhà, ngăn không cho muỗi sinh sản. Chị Nay H’Om - xã Phú Cần, cho biết: “Gia đình có con nhỏ bị sốt xuất huyết nên rất lo lắng. Được hướng dẫn của Trạm Y tế xã, gia đình dọn vệ sinh quanh nhà, lật úp các các dụng cụ chứa nước hàng tuần để không có muỗi gây bệnh.”
Bác sỹ Ksor H’Đông -Phó Trưởng Trạm Y tế xã Phú Cần, cho biết: “Hiện tại đang là mùa mưa nên tình trạng sốt xuất huyết ở địa bàn rất cao, số ca mắc cũng tăng. Trạm đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện phun thuốc tại các khu vực có ca bệnh theo bán kính 1 km.”
hinh-ps-sot-xuat-huyet-5.jpg
Hình ảnh: các ca bệnh sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện 
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa đã ghi nhận 54 ổ dịch sốt xuất huyết tại 14/14 xã, thị trấn với trên 260 ca mắc. Công tác tuyên truyền, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý các ổ dịch đang được huyện triển khai tích cực. Hiện tại 9 ổ dịch đã được phun hóa chất và xử lý môi trường, 45 ổ dịch đã được xử lý môi trường. Sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, song công tác phòng bệnh vẫn còn đặt ra không ít khó khăn nếu không có sự phối hợp hiệu quả từ phía người dân cùng tham gia xử lý triệt để ổ lăng quăng, bọ gậy tại nhà, tại cộng đồng.
Theo các bác sỹ, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng. Người bệnh cần chú ý các dấu hiệu bệnh như sốt, mệt mỏi, đau cơ, không chủ quan tự ý điều trị tại nhà, nhất là với trẻ nhỏ.
Bác sỹ Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Khoa Nội - Nhi - Nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, cho biết: “Thời gian qua, bệnh nhân sốt xuất huyết nhận viện tại khoa tăng dần, có đầy đủ các nhóm thanh niên, trẻ em, phụ nữ có thai. Khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt uống thuốc mà không giảm sau 2-3 ngày phải vào bệnh viện khám xét nghiệm tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng”.
Bác sỹ Trương Thanh Liêm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, cho biết: “Trong những tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Krông Pa tăng cao, lý do khí hậu ban ngày nắng đêm mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết phát triển, từ đó dẫn đến số ca bệnh tăng cao. Trung tâm Y tế đã tham mưu UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn cùng với ngành y tế tích cực vận động bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường sau đó sẽ tiến hành phun xử lý ổ dịch ở những nơi mà có chỉ số muỗi tăng cao.”
Theo dự báo của ngành Y tế, từ nay đến cuối năm 2023, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp. Thường tháng 8 sẽ là cao điểm sốt xuất huyết. Song thách thức lớn nhất trong công tác phòng chống sốt xuất huyết đó là chưa có vaccine và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, không ít người dân còn chủ quan về mức độ nghiêm trọng của sốt xuất huyết, tự ý điều trị tại nhà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 362.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hơn 130 ca tử vong.
Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nếu người dân không chủ động dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường thường xuyên. Với phòng, chống sốt xuất huyết, diệt lăng quăng, bọ gậy là vấn đề gốc; nhận thức và hạnh động của người dân là giải pháp chống dịch then chốt.
SƠN TRUNG