Vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi của chị Nay H’Jun

07/03/2022
   Sinh ra và lớn lên tại buôn Tối cũ, nay là buôn Ia H’Ly, xã Krông Năng trong một gia đình thuần nông. Cuộc sống của chị Nay H’Jun (1985) gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng cái khó đó lại như tiếp thêm động lực và thôi thúc chị càng phải cố gắng làm sao để phát triển kinh tế, cải thiện và ổn định cuộc sống của chính mình và gia đình.
chi-Nay-H-Jun-(1).jpg
Hình ảnh: chị Nay H’Jun vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi 
 
   Lập gia đình từ lúc còn tuổi đôi mươi, thời gian đầu rất vất vả, đất ruộng đã ít, vốn liếng lại không. Cả hai vợ chồng chỉ biết nương tựa vào gia đình bố mẹ, người thân, canh cánh trong lòng nên anh chị quyết tâm tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên. Với suy nghĩ chăn nuôi nhỏ lẻ, tích dần nguồn vốn,  hai vợ chồng chị đã không ngừng cố gắng lao động sản xuất và vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Được sự giúp đỡ và hỗ trợ của chính quyền, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị Nay H’Jun đã được vay 30 triệu đồng vốn làm ăn và trang trải cuộc sống.
   Năm 2017, chị Nay H’Jun đi xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út, còn chồng chị ở lại chăm lo cho hai đứa con. Sau thời gian hơn 2 năm ở nơi đất khách quê người, chị trở về quê hương, đem số tiền dành dụm được hơn 200 triệu đồng đầu tư nuôi hơn 900 con gà. Tiếp đó, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư và phát triển mô hình chăn nuôi dê, đến nay cũng được hơn 35 con. Nhờ học hỏi được kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc nên đàn dê của nhà chị đều phát triển tốt, đem về thu nhập ổn định cho gia đình. Chị Nay H’Jun, Buôn Ia H’Ly, xã Krông Năng, cho biết: “Hồi mới lấy nhau, cuộc sống hai vợ chồng tôi rất khó khăn và thiếu thốn. Ở với nhau được hai đứa con. Rồi vay vốn, tích góp làm ăn, xây dựng được cái nhà nhỏ. Năm 2017, cũng vì cơ cực quá mà tôi bỏ lại hai đứa nhỏ cho chồng chăm sóc để sang Ả Rập Xê Út làm việc. Hai năm sau, tôi về và quyết định đầu tư nuôi gà, bán lấy vốn tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi dê. Hiện tại chồng tôi đã xuất khẩu lao động sang Đài Loan, phí cũng hơn 160 triệu. Lúc đó rất là khó khăn, chạy đủ chỗ, vay ngân hàng. Giờ cũng trả hết rồi, tôi ở nhà chăm lo cho đàn dê, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng, nhưng nếu việc chăn nuôi dê và chăm con khó khăn quá tôi sẽ bán đi, chuyển sang mô hình nuôi bò nhốt chuồng”
   Ngoài phát triển các mô hình chăn nuôi, gia đình chị H’Jun cũng làm thêm 1 héc ta mì và 1 héc ta lúa nước. Cứ mỗi mùa vụ như thế, có thể thu về hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân có được chị H’Jun đã truyền đạt lại để bà con lối xóm cùng học tập và phát triển. Phấn đấu cùng nhau thoát nghèo và có được thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chị Nay H’Lưu, hàng xóm của chị Nay H’Jun chia sẻ: “Trước đây cuộc sống của chị Nay H’Jun rất khó khăn, thiếu thốn vì con nhỏ. Thấy cuộc sống khó khăn hai vợ chồng cũng bàn bạc, quyết định sang Ả Rập Xê Út xuất khẩu lao động. Sau 2 năm thì có tiền và trở về đầu tư nuôi gà. Bây giờ cuộc sống của chị H’Jun đã được cải thiện và đỡ vất vả hơn rất nhiều, âu cũng nhờ làm ăn, chăn nuôi phát triển kinh tế. Chị Nay H’Jun đối với bà con lối xóm rất thân thiện, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ bà con lúc khó khăn, thiếu thốn.”
  
Là Hội viên Hội phụ nữ, Gia đình chị H’Jun còn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chị rất nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của xã, của buôn. Trong công tác Hội, chị luôn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi hội và là hội viên tích cực đi đầu trong các phong trào của hội phát động, có ý thức xây dựng chi hội vững mạnh. Cùng với đó, vận động chị em phụ nữ tham gia các hoạt động hội, thực hiện tương trợ giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Nhận xét về Chị Nay H’Jun, Chị Hving H’Lang – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Krông Năng, cho biết: “Chị Nay H’Jun rất nhiệt tình trong công tác của hội và thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ các hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Trước đây, để giúp đỡ cho gia đình chị Nay H’Jun làm ăn, phát triển kinh tế gia đình để thoát được cảnh nghèo, khó khăn. Thời gian qua thì tôi đã giới thiệu cho chị vay vốn ngân hàng chính sách, vay vốn kinh doanh để chăn nuôi gà, rồi nuôi dê để phát triển kinh tế ngày càng vững mạnh để thoát được cảnh nghèo khó, kinh tế vững chắc, không thiếu đồ sinh hoạt tại gia đình. Khi có kinh tế thì chị cũng thường xuyên giúp đỡ các chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn xã để cùng nhau phát triển.”
   Với lòng quyết tâm, chịu thương, chịu khó, luôn chủ động tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình. Chị Nay H’Jun đã vượt lên những khó khăn của cuộc sống, đi lên từ hai bàn tay trắng, từ không có gì chị đã phấn đấu có được thu nhập ổn định và cải thiện cuộc sống, xứng đáng làm gương cho những chị em phụ nữ khác học tập và noi theo.
NGUYÊN ANH