Huyện Krông Pa: Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị - xã hội của địa phương

01/06/2022
      Các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm chống phá Đảng và chế độ ta. Mục đích của chúng là lợi dụng sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc, trình độ dân trí của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) còn thấp... để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động đồng bào tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền, gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định về chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, việc tổ chức, triển khai, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc và có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội của địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Nhận rõ tầm quan trọng về vấn đề đó, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Krông Pa phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS, nên đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng ĐBDTTS. Kết cấu hạ tầng vùng có đông ĐBDTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân; đến nay có 3/13 xã có đông ĐBDTTS sinh sống được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên, đến nay, có 21/45 trường tại vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 46,6%, học sinh người DTTS dự thi, đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt tỷ lệ 94,66%; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện được quan tâm đầu tư xây dựng; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng thực hiện; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng ĐBDTTS tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
VĐ.jpg
Ảnh: Bà con người đồng bào DTTS ở xã Ia Rmok đang thu hoạch vụ mùa
      Tuy nhiên, phát triển kinh tế vùng ĐBDTTS trong huyện còn chậm. Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, công trình về kết cấu hạ tầng, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật còn chậm. Công tác giảm nghèo trong đồng bào người Jrai chưa thật sự bền vững. Công tác đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định.
      Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những hạn chế được chỉ ra, ngày 16-5-2022, Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 53-KH/HU về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn huyện Krông Pa.
Kế hoạch của Huyện ủy đề ra mục tiêu tổng quát là: Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của tỉnh; giảm số xã và thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp bố trí ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, liên vùng và kết nối với những vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
      Đồng thời Kế hoạch cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tính khoa học, toàn diện, khả thi, trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai thực hiện; Tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng ĐBDTTS; phát triển giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp...; Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... Để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong nội bộ, sự đồng thuận trong nhân dân đối với quá trình thực hiện Kế hoạch của Huyện ủy, cần quan tâm chú ý:
      Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức và đồng bào các dân tộc về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS, giai đoạn 2021 - 2030; từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện. Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp sinh động, thiết thực, phù hợp để cán bộ, công chức và bản thân từng hộ, từng người trong ĐBDTTS có quyết tâm vươn lên lao động sản xuất, kinh doanh thoát nghèo.
      Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến ĐBDTTS, trọng tâm là Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 15/2/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới… Đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở trong tổ chức thực hiện, đảm bảo theo đúng định hướng và trúng với từng đối tượng, giúp ĐBDTTS nâng cao đời sống, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền; đồng thời, hạn chế các thế lực thù  địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước ta.
      Tăng cường nguồn lực trong tiếp cận thông tin, hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ĐBDTTS; làm tốt công tác vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nguồn vốn xây dựng mô hình theo Chương trình OCOP của từng địa phương, đơn vị.
      Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập nhằm đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; giải quyết tốt tình trạng hộ nghèo DTTS thiếu đất ở, nhà ở và các chính sách an sinh xã hội; phấn đấu giải quyết cơ bản (100%) tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS hàng năm bình quân trên 3% (áp dụng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025); tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, chú trọng đào tạo những ngành nghề phù hợp với sự phát triển của địa phương và thị trường lao động nhằm khắc phục tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động trong ĐBDTTS, đến năm 2025, có 50%  lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS, phấn đấu đạt 83% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề.
      Quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục vào đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số… Thực hiện tốt công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; đến năm 2025, 100% đơn vị hành chính cấp xã vùng ĐBDTTS và miền núi có cán bộ phụ trách công tác dân tộc; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để đồng bào, nhất là trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Phát huy giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt của các dân tộc, phấn đấu có điểm du lịch tại vùng ĐBDTTS được hỗ trợ đầu tư, khai thác song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
      Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền trong tổ chức thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS với quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm cho chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với công tác quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân đi vào thực tiễn một cách thực chất và hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
HOÀNG VĂN VĨNH