Krông Pa - 44 năm xây dựng và phát triển

21/04/2023
Huyện Krông Pa là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của Nhân dân trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trải qua 44 năm kể từ ngày tái thành lập huyện (23/4/1979 - 23/4/2023), tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên.
Krông Pa - Truyền thống anh hùng
Huyện Krông Pa, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với tỉnh Phú Yên, là cửa ngõ kết nối giữa Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ thông qua Quốc lộ 25. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc của huyện Krông Pa luôn đoàn kết chống các thế lực bên ngoài xâm chiếm. Nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp thực hiện âm mưu thôn tính Tây Nguyên; trong vùng Cheo Reo - Krông Pa, chúng thực hiện các chính sách quân sự, kinh tế, văn hóa rất hà khắc và tàn bạo để cai trị Nhân dân. Dưới ách cai trị thực dân, chịu ảnh hưởng lớn của phong trào Pơtao APui (Vua Lửa), Oi HMai, Oi HPhai (1901-1909), Săm Brăm (1935-1939) và các phong trào khác quanh vùng; Nhân dân trong trong vùng Krông Pa đã nổ ra một số cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc, gây cho địch những trở ngại trong công cuộc đặt ách cai trị thực dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Krông Pa là một trong những chiếc nôi của phong trào cách mạng của tỉnh Gia Lai và tỉnh Đăk Lăk; Nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, thủy chung sắt son với cách mạng, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Để ghi nhận công lao với những thành tựu nổi bật qua các thời kỳ, ngày 29 tháng 01 năm 1996, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên dương, phong tặng Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Krông Pa danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; đến năm 2005, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; sau đó tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì vào năm 2009 và Huân chương lao động hạng Nhất vào năm 2014.
AHLLVT.jpg
Hình ảnh: Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Dấu ấn ngày tái thành lập
Năm 1979 là năm huyện phải đương đầu với những khó khăn, thử thách chưa từng có từ sau giải phóng. Thiên tai, lũ lụt, khô hạn, tác động của chiến tranh biên giới, sự trì trệ của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và yếu kém trong quản lý làm cho kinh tế - xã hội của huyện giảm sút.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy thế mạnh của vùng đất phía Đông Cheo Reo, đẩy mạnh công cuộc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, theo đề nghị của tỉnh Gia Lai - Kon Tum và được Quốc hội quyết nghị, ngày 23 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định 178/CP về việc chia tách huyện Ayun Pa của tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai huyện Ayun Pa và Krông Pa.
Khi được chia tách, địa giới hành chính của huyện Krông Pa kéo dài từ đèo Tô Na  xuống phía đông, đến bắc cầu Kà Lúi và tây sông Krông Năng, gồm 6 xã: Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Rmok, Đất Bằng, Ia Hdreh và Krông Năng, với diện tích tự nhiên 193.000 ha, dân số khoảng hơn 20.000 người, đa số là đồng bào dân tộc Jrai. Tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng khoảng 7 ngàn ha, phương pháp canh tác chính là phát, đốt, chọc, trỉa.
Phu-Tuc-1981.jpg
Hình ảnh: một góc Phú Túc năm 1981
Cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đi lại khó khăn, cách trở. Hệ thống trường, lớp còn ít, hầu hết là tranh, tre, lá nứa; toàn huyện chỉ có 06 đơn vị trường học, 85 lớp với 2.000 học sinh; đội ngũ giáo viên các bậc học chỉ có 96 đồng chí. Người dân chủ yếu tự cung, tự cấp về lương thực; tình trạng thiếu đói và thời kỳ giáp hạt diễn ra khá phổ biến. An ninh chính trị ở cơ sở chưa đảm bảo vững chắc, ngay sau khi chia huyện đã phải đối phó với âm mưu bạo loạn nhân dịp bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp ngày 25 tháng 5 năm 1979. Lực lượng cán bộ còn thiếu, nơi làm việc, sinh hoạt chưa ổn định.
Sự kiện chia tách huyện Ayun Pa của tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai huyện Ayun Pa và Krông Pa có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với cán bộ, Nhân dân các dân tộc Krông Pa trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
44 năm nỗ lực phát triển
Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần quật khởi của các bậc cha ông đi trước, 44 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong toàn huyện đã đoàn kết một lòng, nỗ lực, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, để xây dựng huyện Krông Pa ngày càng phát triển, với những thành tựu nổi bật đó là:
Đến nay, huyện có 14 đơn vị hành chính xã, thị trấn, 77 thôn, buôn, tổ dân phố với dân số trên 90.000 người, tăng 08 đơn vị hành chính, 70.000 dân so với năm 1979. Bức tranh kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều khởi sắc. Kinh tế tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường; tổng diện tích gieo trồng trên 49 ngàn ha, tăng hơn 7 lần so với năm 1979; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đầu tư thâm canh được đẩy mạnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 43,5 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, tạo diện mạo mới cho nông thôn. Hàng năm, bằng các nguồn vốn, huyện đã thực hiện đầu tư, nâng cấp các tuyến đường thuộc quyền quản lý; 14/14 xã, thị trấn đã có đường ô tô thông suốt đến trung tâm xã và tận các thôn, buôn cả 2 mùa mưa nắng; toàn huyện có khoảng 616 km đường giao thông nông thôn, 31,4 km đường nội thị, 36 km đường liên xã và 13 cầu dân sinh.
Công nghiệp - xây dựng phát triển nhanh, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu xây dựng; trên địa bàn huyện có 13 nhà máy đang vận hành sản xuất và trên 200 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp lớn, nhỏ, sử dụng hơn 3.000 lao động. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, hiện toàn huyện có hơn 130 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 1.400 hộ kinh doanh; dịch vụ vận tải hành khách ngày càng lớn mạnh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho Nhân dân.
IMG_20230422_071400-(2).jpg
Hình ảnh: một góc thị trấn Phú Túc ngày này
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng; năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 49 đơn vị trường học với 715 lớp, hơn 23.000 học sinh, trong đó có 26 trường đạt chuẩn quốc gia, những trường còn lại hầu hết đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Về chất lượng khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ. Các chương trình an sinh xã hội, chế độ chính sách người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, được quan tâm kịp thời, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 chiếm 15,69%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị củng cố, kiện toàn, đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; Đảng bộ huyện hiện có 44 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 163 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với trên 2.900 đảng viên; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với trên 1.500 đồng chí,
44 năm - Một chặng đường lịch sử vẻ vang, minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên của toàn Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Xây dựng huyện nhà từ một địa phương nghèo khó sau chiến tranh, đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển; diện mạo của huyện ngày càng khang trang; kinh tế - xã hội có sự phát triển vượt bậc; đời sống của Nhân dân các dân tộc ngày càng được quan tâm, cải thiện; an ninh - quốc phòng được giữa vững, ổn định; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
TUYẾT HOA