Thăng trầm … dưa hấu vùng “chảo lửa”

28/03/2022
      Từ đầu tháng 3 đến nay, dưa hấu trên địa bàn huyện vào vụ thu hoạch rầm rộ. Lúc này, hàng trăm nhân công từ Bình Định, Phú Yên lại lũ lượt, “tay sọt” kéo về để xin làm “phu dưa”. Hành trang của họ chỉ có chiếc xe máy, cái võng và đôi sọt chở sau xe. Cuộc đời sương gió, “ăn bờ, ngủ bụi”, mưu sinh bằng nghề gánh dưa hấu thuê kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
      Khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi có mặt tại cánh đồng dưa hấu rộng gần 10 hecta tại buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng. Quan sát thấy những người đàn ông có dáng người khắc khổ đang hì hục gánh dưa tập kết lại ở một vị trí. Mỗi gánh dưa nặng đến cả 70 - 80kg đè lên đôi vai, bước chân cũng in hằn xuống mặt đất.
IMG_Nhung-nguoi-tho-ganh-dua-cung-bi-anh-huong-thu-nhap-do-gia-dua-xuong-thap.PNG
Hình ảnh những người "phu dưa" đang gánh những sọt dưa hấu đến điểm tập kết 
 
      Ông Hồ Quốc Duy năm nay hơn 40 tuổi ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã gắn bó với nghề này gần chục năm nay. Ông Duy cho biết: cứ mỗi khi mùa dưa về, ông cùng những người đàn ông trong xóm lại rủ nhau lên các huyện Krông Pa, Ayun Pa, Ia Pa của Gia Lai để gánh dưa thuê. Mỗi lần đi, nhóm có khoảng từ 5 - 10 người di chuyển bằng xe máy. Điểm dễ nhận biết của người “phu dưa” là phía sau xe chở đôi sọt. Hiện cũng đang vào cuối vụ thu hoạch nên công việc cũng giảm nhiều, chứ 2 tuần trước anh, em làm không xuể, lắm lúc không có thời gian nghỉ ăn cơm. Hôm nay, được thương lái gọi điện, anh em đang ở thị trấn Phú Túc lại lên đường vào Đất Bằng để làm việc. “Mình làm nghề này cũng bảy, tám năm nay rồi. Năm nay công rẻ nhất so với mọi năm do giá thị trường dưa hấu hạ quá sâu. Giá dưa cao thì công gánh cũng cao. Cũng vất vả lắm, nhưng vẫn đi làm, dù ít nhiều cũng có đồng ra đồng vào, phụ giúp gia đình những lúc nhàn rỗi” ông Duy chia sẻ.
      Còn anh Huỳnh Tấn Khởi, 43 tuổi ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cũng làm nghề này gần 4 năm. Anh Khởi tâm sự: “Gánh dưa thuê là một nghề rất đặc thù, bởi thường xuyên phải làm việc về đêm, còn ban ngày ngủ để lấy lại sức. Vì vậy mà những người gánh dưa đặt cho nó cái tên là nghề “ngày ngủ, cày đêm”. Năm nay dưa xuống giá nên giá gánh dưa cũng bị ảnh hưởng”.
IMG_Ong-Cu-Binh-ben-nhung-trai-dua-vua-moi-thu-hoach.PNG
Ông Cù Bình bên những quả dưa hấu mới được thu hoạch
      Để có những gánh dưa hấu nặng trĩu thì không thể không nhắc đến người trồng dưa. Từ thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định lên huyện Krông Pa thuê đất trồng dưa hấu, gia đình ông Cù Bình dựng 3 chiếc lều bạt ở 3 góc khu đất rộng 6 ha tại cánh đồng buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng làm nơi trú ngụ. Ngồi bên cạnh đống dưa hấu vừa được tập kết, ông Bình rủ rỉ chuyện trò với chúng tôi, cách đây 4 tháng, vợ chồng ông cùng hai con lên đây thuê đất trồng dưa với bao kỳ vọng. Dưa trồng ở Krông Pa đạt năng suất, chất lượng cao nên giá thuê đất lên đến gần 20 triệu đồng/ha. Từ đó đến nay, chúng tôi ở hẳn trên này chăm sóc ruộng dưa, ngay cả Tết Nguyên đán vừa rồi cũng không về quê. Mọi sinh hoạt đều diễn ra ở mấy túp lều này. Rất khổ vì thời tiết nóng, lạnh bất thường vô cùng nhưng cũng gắng chịu đựng để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, năm nay do giá dưa xuống thấp nên gia đình không tránh khỏi thua lỗ. “Tổng diện tích là 120 sào tương đương 6 hecta. Năng suất vẫn đạt nhưng giá cả thị trường xuống thấp. Hiện tại chỉ còn hơn 4 triệu đồng/sào. Với giá như này thì tôi bị lỗ khoảng 60 triệu. Tổng cộng 3 cha con trồng 6 ha thì lỗ hơn 100 triệu đồng” ông Bình buồn rầu tâm sự..
IMG_Hang-chuc-tan-dua-cua-gia-đinh-ong-Cu-Binh-vua-đuoc-thu-hoach.jpg
Hình ảnh: hàng chục tấn dưa hấu của gia đình ông Cù Bình vừa thu hoạch
      Chị Lương Thị Nhung (con dâu ông Bình) cũng trồng 2ha dưa hấu tại đây. Chị đang nhanh tay gập tấm bạt lều cũ mà đôi mắt nhìn vô định về khoảng không trước mặt. Chị Nhung buồn bã cho biết: “Em đã phải bỏ con cái ở nhà lên đây làm lụng vất vả, hóa ra lại trắng tay. Mấy năm trước, thấy năm được, năm mất, nhà em quết định không trồng mà đi gánh dưa thuê. Nhưng năm ngoái trúng quá, giá 8 ngìn đồng/kg, chúng em quyết định trồng, ai ngờ lại thất bát”.
      Nguyên nhân dưa xuống giá là việc thông quan tại các của khẩu phía bắc gặp rất nhiều khó khăn. Do xuất đường tiểu ngạch chỉ bán thị trường nội địa nên giá cả thị trường rất bấp bênh. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện gieo trồng khoảng 1.000 ha dưa hấu, chủ yếu giống hắc mỹ nhân, sản lượng dự kiến đạt hơn 40.000 tấn quả. Tuy nhiên, giá dưa xuống thấp, chỉ 1,5 đến 3 ngàn đồng/kg, đa phần người trồng chịu cảnh thua lỗ. Hiện người trồng dưa chủ yếu từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên đến địa phương thuê đất trồng dưa. Do tự phát thiếu quá trình nghiêm ngặt trong khâu chăm sóc và phụ thuộc nhiều vào quá trình xuất khẩu ra thị trường nước người nên giá thu mua dưa hấu luôn không ổn định. “Để dưa hấu trên địa bàn huyện có đầu ra ổn định cần phải có quản lý nhà nước khuyến cáo về thị trường. Người trồng dưa phải tham gia truy suất về mã vùng cho sản phẩm của mình. Đồng thời phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap mới có được uy tín cho hàng hoá của mình. Để nâng cao giá trị sản phẩm dưa hấu trồng trên địa bàn huyện và tăng thu nhập cho người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND huyện cấp mã số vùng trồng, hướng đến xuất khẩu chính ngạch”, ông Duyên cho biết thêm.
     Đêm đã về khuya nhưng những “phu dưa” vẫn cần mẫn làm việc. Tiết trời dịu mát giúp cho người gánh dưa vơi bớt nhọc nhằn. Nhưng đối với người trồng dưa lại một đêm khó ngủ vì những khoản thua lỗ biết lấy gì bù đắp ./.
QUANG NGỌC