Tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa 03 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Phú Yên

01/07/2022
      Chiều ngày 28/6, tại Hội trường UBND huyện Krông Pa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giai đoạn 2017-2022.
hinh-hoi-nghi-tong-ket-quy-che-quan-le-bao-ve-rung.jpg
Hình ảnh: các đồng chí Phó giám đốc Sở của ba tỉnh đồng chủ trì Hội nghị
      Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Đỗ Xuân Dũng và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Lý Nguyên đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Hồ Văn Thảo – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, đại diện lãnh đạo các huyện Ea Kar, Sông Hinh, Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh và các xã có rừng giáp ranh.
      Tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk có vùng giáp ranh dài khoảng 164 km và vùng giáp ranh giữa Tỉnh Gia Lai và tỉnh Phú Yên dài khoảng 113 km. Diện tích vùng giáp ranh rộng, trải dài qua nhiều huyện; phần lớn có địa hình phức tạp, hiểm trở; điều kiện về cơ sở vật chất, thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng hạn chế (nhiều nơi không có điện lưới, sóng điện thoại di động, không đường đi lại). Trong đó, khu vực giáp ranh giữa huyện Krông Pa với huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa tỉnh Phú Yên là nơi tập trung nhiều loài gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh (huyện Krông Pa, tỉnh Ga Lai; huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô của tỉnh Đắk Lắk. Đây là nơi lưu giữ hệ động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao, hệ thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (như: Trắc, Cẩm, Hương, Gõ, Giổi, Căm xe, Quế, Sâm đất, Mật nhân, Nấm Linh chi, Hoàng đẳng sâm, Voi, Rắn hổ mang chúa, Cheo cheo...).
      Để quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Phú Yên đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh. Trên cơ sở của Quy chế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh, các địa phương và lực lượng chức năng vùng rừng giáp ranh cũng tổ chức ký kết Quy chế phối hợp.
      Từ năm 2017 đến nay, xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các Hạt Kiểm lâm phối hợp UBND xã, đơn vị chủ rừng và cơ quan, đơn vị liên quan tại vùng giáp ranh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Theo đó, đã tổ chức 373 đợt tuyên truyền, với gần 25.800 lượt người tham gia. Tổ chức 309 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện 252 vụ việc vi phạm (gồm 36 vụ phá rừng trái pháp luật, 04 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 89 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật và 123 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật), trong đó: xử lý hình sự 30 vụ, xử lý hành chính 222 vụ; gây thiệt hại 35,6 ha rừng; lâm sản tịch thu 423,261 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và 118,7 ster củi; phương tiện tịch thu: 02 xe ô tô, 10 xe máy cày, xe độ chế, 90 xe máy độ chế, 30 cưa xăng, 03 rựa; phạt tiền trên 469 triệu đồng
Trong hội nghị, lãnh đạo các địa phương có rừng giáp ranh đã phát biểu nhiều ý kiến liên quan đến những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiến nghị đưa ra giải pháp bảo vệ rừng giáp ranh giữa các xã, huyện trong thời gian tới.
hinh-hoi-nghi-tong-ket-quy-che-quan-le-bao-ve-rung-4.jpg
Hình ảnh: các đơn vị tiến hành ký kết quy chế phối hợp
      Tại Hội nghị, Chi cục kiểm lâm 3 tỉnh Gia lai, Đắk Lắk, Phú Yên và sau đó là 3 huyện Krông Pa, Ea Kar, Sông Hinh đã ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại vùng giáp ranh.
NGUYÊN ANH