Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

01/07/2024
Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng là một trong những việc cần làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Neu-cao-trach-nhiem-nguoi-đung-đau.jpg

Thực tế đã chứng minh, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây đã được đưa ra ánh sáng với không ít người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Mới đây nhất, trong báo cáo về công tác tòa án từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, các toà án thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 2.860 vụ, với hơn 6.450 bị cáo; đã xét xử hơn 1.900 vụ, hơn 3.750 bị cáo. Đáng chú ý, cùng với số vụ án kinh tế, tham nhũng…mà tòa đã xét xử thì các tội về “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” có xu hướng tăng và đi liền với đó là câu chuyện trách nhiệm người đứng đầu. Điều này khiến dư luận không khỏi trăn trở về năng lực lãnh đạo, quản trị, phẩm chất đạo đức, tư cách của họ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đáng buồn như trên, trong đó nổi lên, bản thân người đứng đầu không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình, để chủ nghĩa cá nhân lấn át, bị gục ngã trước “viên đạn bọc đường”. Họ đưa các quyết định sai với nguyên tắc lãnh đạo của Đảng với mưu đồ lợi ích cá nhân. Nhân dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự quản lý của Nhà nước, trước hết là người đứng đầu ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu trong sạch, liêm khiết, hết lòng vì quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân; đấu tranh ngăn ngừa tiêu cực, sử dụng các quyền lực trong quyền hạn hợp lý, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân cũng như nâng cao trình độ nhận thức, dân trí, cũng như năng lực hành vi thực thi pháp luật của Nhân dân.
Muốn làm được điều đó, một trong những vấn đề cốt yếu và quan trọng là bản thân những người được giao trách nhiệm đứng đầu phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, trách nhiệm và luôn ghi tâm khắc cốt lấy cống hiến làm trọng. Cấp uỷ các cấp cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức Đảng trong chấp hành các nguyên tắc, quy định của Đảng, cũng như các quy định của pháp luật; phát huy dân chủ, huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và quần chúng Nhân dân trong hoạt động giám sát.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ sống còn để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, phục vụ nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong mỗi cơ quan, đơn vị. Khi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có ý thức tự soi, tự sửa, gương mẫu đi đầu thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực.
HOÀNG VĂN VĨNH