Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi bò nhốt chuồng

14/02/2022
   Những năm qua, khắc phục khó khăn của địa hình, bên cạnh chú trọng phát triển trồng trọt, người dân trên địa bàn xã Chư Rcăm đã tích cực triển khai chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, phù hợp. Nhờ vậy, ở địa phương ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giúp người dân tăng thu nhập. Trong đó, trồng cỏ để nuôi bò nhốt chuồng được đánh giá là một trong những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, đang được nhân rộng.
a16cca0953279f79c636.jpg
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình ông Trần Văn Hưng, thôn Sông Ba, xa Chư Rcăm
 
Gia đình ông Vũ Xuân Công ở thôn Sông Ba là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi nhốt bò tập trung đầu tiên trên địa xã Chư Rcăm. Ông Công chia sẻ: gia đình ông có 3 nhân khẩu, vợ chồng đã lớn tuổi không thể tham gia lao động nương rẫy được nên ông đã quyết định mua bò về nuôi.  Bước đầu gia đình ông mua 2 con bò giống, tận dụng diện tích đất quanh nhà để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Với cách nuôi này đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Sau 3 năm chăn nuôi, bình quân mỗi năm gia đình ông xuất chuồng 2 con bê với số tiền thu về hơn 30 triệu đồng.
Cũng là một trong những hộ gia đình nuôi bò theo mô hình này trên địa bàn xã Chư Rcăm đó là gia đình ông Trần Văn Hưng. Năm 2015, gia đình ông Hưng đầu tư gần 100 triệu đồng làm chuồng trại và mua 2 con bò giống lai. Để đảm bảo thức ăn cho bò theo mô hình này, ngoài việc trồng cỏ gia đình ông Hưng còn tận dụng các nguồn phụ phẩm khác để làm thức ăn, trang bị thái cỏ, máy ép cám. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, gia đình ông còn đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc, như cho ăn đúng giờ, tiêm vắc xin phòng bệnh, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ. Ông Hưng cho biết: “Tôi thấy chăn nuôi bò thả có nhiều hạn chế như không chủ động được nguồn thức ăn, ảnh hưởng môi trường, mất nhiều thời gian và công sức chăn nuôi, hiệu quả kinh tế không cao…Trong khi đó, việc nuôi bò nhốt chuồng không tốn nhiều công chăm sóc, tranh thủ được thời gian để làm các việc khác, đặc biệt là bảo vệ được môi trường. Nuôi bò theo hình thức này, hơn 5 năm nay gia đình tôi thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Nhờ đó chúng tôi có điều kiện sống tốt hơn”.
 Mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ ở xã Chư Rcăm mặc dù chưa được phát triển mạnh. Hiện nay, toàn xã mới có hơn 10 hộ thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, nhờ mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng nên nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện nuôi con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt hiện đại, các loại phương tiện đi lại.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng, ông Nguyễn Văn Bùi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Rcăm cho biết: “Qua thực tế những hộ thực hiện mô hình này, so với sản xuất nông nghiệp thì trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì thế, Hội sẽ tuyên truyền, vận động nông dân tập trung vào việc khai thác có hiệu quả đất quanh vườn nhà, đất bỏ hoang để trồng cỏ, chăn nuôi bò nhốt. Đây là mô hình chăn nuôi an toàn vì vừa quản lý được con nuôi, phòng dịch bệnh tốt, quá trình chăm sóc đảm bảo, vừa tranh thủ được thời gian nông nhàn. Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng. Chú trọng vận động người dân chuyển đổi việc nuôi bò cỏ thả rông sang hướng nuôi bò nhốt chuồng, đảm bảo môi trường, từng bước nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò trên địa bàn xã”.
NGUYỄN CHI