Trồng ngô sinh khối, hướng đi mới cho bà con nông dân

27/11/2021
   Thay vì trồng ngô lấy hạt truyền thống, một số hộ nông dân ở xã Ia Mlah, Ia Rmok (huyện Krông Pa) đã mạnh dạn chuyển sang trồng ngô sinh khối, mở ra một hướng đi mới trong canh tác loại cây nông nghiệp này, vừa rút ngắn thời gian trồng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, cây trồng này có đầu ra ổn định vì là thức ăn chăm nuôi dành cho bò sữa.
IMG-2030-(1).PNG
Ông Kpă Pin (bên phải) trao đổi với GĐ LHHTX tinh dầu Tây Bắc Gia Lai
 
   Đây là vụ đầu tiên gia đình ông Kpă Pin ở buôn Prong, xã Ia Mlah đã mạnh dạn dành một phần diện tích đất trồng mì triển khai trồng thử nghiệm giống ngô sinh khối dành cho chăn nuôi do Liên hiệp Hợp tác xã Tinh dầu Tây Bắc Gia Lai đầu tư với diện tích 1,7ha. Ông Kpă Pin cho biết: “diện tích ngô này được Liên hiệp Hợp tác xã đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật. Trồng ngô sinh khối có thuận lợi là rút ngắn thời gian hơn so với cây mì, chỉ mất khoảng 80-90 ngày. Không phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt, lại tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho người trồng. Làm theo cách này khỏe, liên kết với doanh nghiệp nên đơn vị đầu tư thu mua một loạt, từ cây đến quả, mình đỡ tốn công dọn rẫy nữa. Mình đang thu hoạch, để doanh nghiệp tính lời lãi, nếu thấy có lời hơn cây mì mình sẽ gắn bó với cây trồng này”.
   “Sau thu hoạch này, gia đình thấy có lãi so với cây trồng khác, tôi sẽ tiếp tục làm bắp, 1 năm làm 3 vụ, không làm mì nữa do mì khảm lá năng suất, sản lượng không đạt nên sẽ chuyển ngô thôi”-ông Kpă Pin, cho biết thêm.
   Ông Nguyễn Văn Cường-Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã tinh dầu Tây Bắc Gia Lai cho biết, “hiện Liên hiệp Hợp tác xã đang đâu tư trên địa bàn huyện với tổng diện tích 12 ha trong đó xã Ia Mlah 10 ha và xã Ia Rmok 2 ha. Đây là loại cây trồng mới, cho nên một số hộ dân chưa tiếp cận hết các yêu cầu kỹ thuật dẫn đến việc cho ra năng xuất sản lượng chưa đạt với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Liên hiệp Hợp tác xã vẫn thua mua hết toàn bộ sản phẩm cho hộ nhận trồng. Riêng hộ ông Kpă Pin, năng suất chỉ đạt 80% tương đương khoảng 45 tấn/ha”.
   “Trồng ngô sinh khối lợi thế là 3 tháng trồng và thu hoạch. So sánh các cây trồng khác thì hơn hẳn, do đó đây là một giải pháp tài chính tốt đối với bà con nông dân địa phương. Tại xã Ia Mlah có hồ nước nên trồng ngô sinh khối vào mùa nắng có tưới thì năng suất sẽ vượt trội. Mong các ban ngành của huyện vào cuộc tuyên truyền vận động bà con. Chúng tôi sẽ sẵn sàng đầu tư làm, cho dù 2-3ha chúng tôi vẫn đầu tư. Mong bà con nông dân liên kết lại với chúng tôi, được đầu tư phân giống hỗ trợ kỹ thuật. Từ đó cùng địa phương chuyển đổi cây trồng hiệu quả cho bà con nông dân”-ông Cường cho biết.
   Hiện mô hình trồng ngô sinh khối đang mở ra cho nông dân hướng đi mới hiệu quả. Ngoài việc giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết, thiên tai, mô hình này còn có thể tăng số vụ sản xuất so với cây mì hay ngô lấy hạt, cải thiện thu nhập. Chuyển sang hướng đi mới này giúp người nông dân ổn định thu nhập và chủ động chuyển đổi diện tích trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng ngô sinh khối, hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn thường xảy ra./.
QUANG NGỌC