Giỗ Tổ Hùng Vương - cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc!

27/04/2023
Giỗ Tổ Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống văn hóa cao đẹp, có ý nghĩa giáo dục đối với toàn thể Nhân dân Việt Nam. Ðó là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là điểm tựa tâm linh, động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua những gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, khó khăn..., củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”
Từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Và dù ở bất cứ nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, hàng triệu người con mang dòng máu Việt lại cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính, đồng thời nhắc nhở nhau về nguồn gốc Tiên Rồng của mình.
Theo truyền thuyết dân gian lưu lại, dân tộc Việt Nam ta có chung một nguồn gốc, chung một cha mẹ. Từ thuở hồng hoang, Cha là Lạc Long Quân đã gặp gỡ và kết duyên với Mẹ là Âu Cơ, đẻ ra trăm trứng, nở trăm con, một nửa theo cha xuống biển, một nửa theo mẹ lên rừng, tôn người anh cả là vua, xưng hiệu Hùng Vương, những người em phân chia đi các vùng miền trong cả nước thành các dân tộc Việt Nam như ngày hôm nay. Truyền thuyết ấy đã khơi dậy ý thức về dân tộc, đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ “đồng bào” là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.
Cùng với đó, theo lịch sử ghi lại và nhiều nhà sử học nghiên cứu, cách đây hàng nghìn năm, vùng đất phía Bắc nước ta hiện nay tồn tại rất nhiều bộ lạc cùng sinh sống, trong đó vững mạnh hơn cả là bộ lạc Văn Lang. Bộ lạc này đã thống nhất tất cả các bộ lạc còn lại, lập nên nhà nước sơ khai đầu tiên trên lãnh thổ nước ta với tên gọi Văn Lang, người đứng đầu là các Vua Hùng. Theo ngọc phả Hùng Vương còn lưu truyền đến ngày nay thì có 18 đời Hùng Vương kéo dài trên 2000 năm. Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu dựng nước, xây dựng lên nền móng về mặt nhà nước của đất nước, nền tảng dân tộc, văn hóa và truyền thống tinh thần Việt Nam.
Ghi nhớ công lao dựng nước của các bậc tiên tổ, đồng thời cũng khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước, từ hàng nghìn năm nay dân tộc ta đã tiến hành tổ chức ngày Giỗ Tổ.
Xưa kia, việc cúng Tổ được tiến hành vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch). Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó, ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ngày 18 tháng 02 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ chính thức hằng năm.
SLCNT.jpg
Hình: Sắc lệnh 22/SL-CTN ngày 18/02/1946
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch). Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 02 tháng 4 năm 2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Kể từ đây, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn, mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghi lễ truyền thống được tổ chức hằng năm tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bao gồm phần lễ và phần hội: Phần lễ có lễ rước kiệu và dâng hương. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ... và đặc biệt là các đêm hát Xoan, hát Ghẹo - làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Phú Thọ.
GTO-HUNG-VUONG.jpg
Hình: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Với ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng, giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Ngày 06 tháng 12 năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá, là sự khẳng định về giá trị và sức sống bất diệt của tinh thần Việt Nam.
Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Giỗ Tổ Hùng Vương mãi là ngày trọng đại của cả dân tộc, trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên.
Hướng về Ngày Giỗ Tỗ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 và ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, cả dân tộc ta vẫn luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
TUYẾT HOA