Krông Pa: Những người giữ "hồn" chiêng

14/05/2017
(GLO)- Với người Jrai ở Krông Pa, tiếng cồng, tiếng chiêng đã ăn sâu vào máu thịt. Tiếng chiêng đã ru họ lớn lên từ khi cất tiếng khóc chào đời và cũng chính tiếng chiêng đưa họ về với atâu.Và từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc bảo tồn, phát huy loại nhạc khí này đã được các cấp, các ngành chức năng cũng như người dân trên địa bàn huyện Krông Pa đặc biệt quan tâm, dù đây là vùng đất khó khăn và xa xôi nhất tỉnh (cách trung tâm TP. Pleiku hơn 150 km). 
     
Đã qua 67 mùa rẫy, đến giờ già Rơ Chăm Pok (buôn Bát, xã Chư Gu) là một trong số ít người ở buôn còn biết chơi các bài chiêng cổ và rất say mê chiêng A-ráp, một loại chiêng cổ của người Jrai nơi đây. Hồi còn nhỏ, ông thường theo người làng học đánh mỗi khi lễ hội. Những lúc trong làng có người mừng nhà mới hay có người chết, có lễ bỏ mả…, tiếng cồng chiêng lại vang lên như thúc giục ông. Chẳng vậy mà chỉ mới hơn 10 tuổi ông đã có thể chơi thành thạo 13 chiếc trong bộ chiêng A-ráp và 17 tuổi đã có thể đánh được một số bài chiêng cổ. Già Pok cho biết, chỉ những hộ nào giàu mới có đủ điều kiện sở hữu bộ chiêng A-ráp. Dù rất thích nhưng gia đình già khó khăn nên không thể sắm được bộ chiêng. Thế nhưng, điều đó không ngăn được niềm say mê của già dành cho chiêng cổ. “Ban đầu tập chơi cồng chiêng chỉ nhằm giải trí, thỏa mãn sự tò mò. Ai ngờ càng tập càng say, cồng chiêng như ngấm vào máu. Tiếng chiêng cứ như giục giã thôi thúc, mỗi khi trong làng có lễ hội hay buổi biểu diễn văn nghệ là chẳng thể bỏ được”-già Pok nói.

Như nhiều nghệ nhân ở Tây Nguyên, ông Nay Phai (Ama San)-một nghệ nhân chuyên chỉnh sửa, lên dây (tul ching) ở thị trấn Phú Túc đã coi việc chỉnh sửa cồng chiêng và dạy bọn trẻ nối nghiệp là “sứ phận” của mình. Phạm vi hoạt động của ông rất rộng, từ các huyện, thị xã như Krông Pa, Ayun Pa, An Khê (Gia Lai) đến Vân Canh (Bình Định), lên Kê Vừng, Phú Mỡ (Phú Yên) và sang cả Ea HLeo (Đak Lak)... Ama San tâm sự: “Mình muốn hướng dẫn  buôn làng giữ lại những bộ chiêng cổ, giữ lại những bài chiêng cổ do ông cha mình để lại. Những năm 1993-1994, đi đến các buôn làng thấy những cái cồng, chiêng hỏng bị bà con vứt lay lắt dưới gần sàn làm máng cho heo ăn, mình buồn lắm. Nhiều buôn làng vắng tiếng cồng chiêng. Đó chính là lý do gắn mình với việc chỉnh chiêng này”.
Ở Krông Pa hiện giờ, dường như những vết nứt gãy về văn hóa-điều không thể tránh khỏi khi giao thoa với cuộc sống hiện  đại-đã và đang được hàn gắn một phần nhờ cồng chiêng được lưu giữ, truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, với tất cả niềm say mê. Và một trong những “truyền nhân” xuất sắc là cậu học trò Ksor Tlơnh-lớp 12A2 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Không chỉ học giỏi, Tlơnh còn mang trong mình niềm đam mê với các loại nhạc cụ, nhất là cồng chiêng. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở buôn Bầu, xã Ia Hdreh, Ksor Tlơnh là con thứ 8 trong gia đình có đến 9 anh em, bố mẹ quanh năm suốt tháng làm việc quần quật trên nương rẫy nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc cho đàn con. Thương bố mẹ, hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều lúc Tlơnh muốn bỏ học lên nương cuốc đất phụ gia đình kiếm thêm rau cháo qua ngày. Nhưng rồi được sự động viên của thầy và bạn, Tlơnh lại cắp sách đến trường tìm con chữ.  

Tlơnh chia sẻ: Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bố mẹ em vẫn sưu tầm được nhiều cồng chiêng, ché, nồi đồng cổ… để gìn giữ văn hóa của dân tộc Jrai; trong đó có nhiều thứ gia đình phải đổi bằng rất nhiều bò. Có lẽ vì vậy mà em cũng rất thích tiếng cồng tiếng chiêng. Tự học, tự hình dung ra các giai điệu của cồng chiêng, hiện nay Tlơnh đã có thể chơi guita mang âm hưởng nhạc cồng chiêng. Đặc biệt, mới đây Tlơnh đã trở thành một trong 3 thí sinh của Gia Lai đã lọt vào vòng 2 cuộc thi “Thắp sáng ước mơ” do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức; hiện em đang nằm trong tốp 40 người có số bình chọn cao. Tlơng nói:  “Em rất yêu thích các nhạc cụ Tây Nguyên, nhất là cồng chiêng đã thấm vào trong tâm trí em từ khi còn rất nhỏ. Vì vậy em chọn cho mình một ước mơ không cao sang nhưng cũng không hề đơn giản, đó là trở thành một nghệ nhân cồng chiêng”. Nếu may mắn vào được các vòng trong, Tlơnh sẽ có cơ hội được tài trợ để biến ước mơ thành sự thật.

Bảo tồn cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa nghĩa là vừa phải biết bảo quản, biết chỉnh sửa và sử dụng điêu luyện loại nhạc khí này. Để cồng chiêng Tây Nguyên luôn chiếm một ngôi vị quan trọng trong rừng nhạc khí của dân tộc Việt Nam cần có sự góp sức của cả cộng đồng. Trong đó, sự chung tay của đồng bào Jrai ở Krông Pa là điều vô cùng quan trọng bởi chính họ là chủ thể sáng tạo, lưu giữ, trao truyền một phần di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Để mai sau, người đời luôn biết và nhớ đến một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.