Tín hiệu vui từ Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” ở vùng chảo lửa Krông Pa.

06/09/2022
      Trên những con đường bê tông kiên cố trải đều khắp các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, những ngôi nhà ngày càng to hơn và đẹp hơn, bộ mặt nông thôn, cũng như cuộc sống của người dân đã được thay đổi nhiều từ kết quả thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động.
      Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, đại đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã thay đổi nhiều về nếp nghĩ, cách làm, từ bỏ dần những phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đã có ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biết chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong làm kinh tế, biết tiết kiệm, biết tính toán chi tiêu cho cuộc sống và đầu tư sản xuất. Trong thời gian qua, nhiều hộ đã tham gia các dự án, mô hình, phát triển sản xuất, từ đó đã trở thành các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có nhà ở kiên cố và đầy đủ phương tiện, trang thiết bị sinh hoạt, con cháu được học hành đến nơi đến chốn.
      Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Cuộc vận động Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, các ban ngành của huyện, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, các hội nghị, các lớp tập huấn, sổ tay tuyên truyền và xây dựng nhiều phóng sự về gương điển hình người DTTS tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, chủ động phối hợp lồng ghép nội dung cuộc vận động với các chương trình an sinh xã hội, các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình của dự án giảm nghèo bền vững khu vực Tây nguyên và nhiều chương trình khác của Nhà nước và các tổ chức Quốc tế. Phối hợp với các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể và quỹ vì người nghèo. Ưu tiên dành cho đồng bào DTTS đầu tư về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, giống cây trồng vật nuôi, phân bón, điện nước, hỗ trợ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh, hỗ trợ học tập cho con em đồng bào DTTS và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu với nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
22aaf53b4e778a29d366.jpg
Ảnh: Hướng dẫn người dân xã đất bằng trồng cây thuốc lá nâu
 
      Qua thực hiện Cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay và hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản ở Buôn Dù xã Ia Mlah cho 10 hộ, đến nay các hộ đã thoát nghèo; Mô hình hỗ trợ phân bón phát triển sản xuất cho mỗi xã 03 hộ DTTS nghèo. Hội Cựu chiến binh huyện với mô hình trồng mỳ cao sản và chăn nuôi bò sinh sản tại xã Phú Cần và xã Chư Drăng. Hội Liên hiệp phụ nữ với các mô hình phát triển kinh tế tạo việc làm, tăng thu nhập như: Tổ tiết kiệm góp vốn xoay vòng cho chị em vay phát triển kinh tế gia đình; Tổ phụ nữ tiết kiệm 5 đến 10 triệu đồng nói không với tín dụng đen; mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo; nhóm cùng sở thích.v.v. đã huy động được gần 10 tỷ đồng cho chị em phụ nữ vay phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Hội Nông dân với các mô hình như: Mô hình kết hợp trồng điều và chăn nuôi bò sinh sản, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu về gần 400 triệu đồng trên năm; Mô hình trồng mỳ kết hợp chăn nuôi bò, chế tạo công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, sau khi trừ chi phí còn thu về 375 triệu đồng; Mô hình trồng thuốc lá nâu, trồng lúa kết hợp chăn nuôi bò, heo rừng lai, doanh thu hàng năm trừ chi phí còn thu lãi trên 200 triệu đồng; Mô hình nhóm tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản xã Ia Rsai, Thị trấn Phú Túc; chăn nuôi dê sinh sản xã Krông Năng, xã Ia Rmok cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra còn nhiều mô hình khác của ngành nông nghiệp huyện như: Mô hình trồng lúa cao sản, trồng mía, trồng mỳ, chăn nuôi tổng hợp v.v. Đến nay các mô hình của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã được nhân rộng trên địa bàn 60 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS sinh sống cho hàng ngàn hộ.
 
mo-hinh-nuoi-de.jpg
Ảnh: Mô hình chăn nuôi dê hiệu quả kinh tế cao tại buôn Ia Hly, xã Krông năng
      Nhìn lại trong 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, các cấp các ngành của huyện cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại: Do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; phong tục, tập quán còn lạc hậu; phần đông đồng bào DTTS nghèo ý thức tự lực vươn lên chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, chưa tự lực vượt khó để vươn lên trong cuộc sống, chưa chịu khó học hỏi, tiếp thu cái mới, chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật; còn phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết dẫn đến năng suất, chất lượng đạt thấp. Bên cạnh đó, trong những năm qua khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh xảy ra liên tục trên cây trồng, vật nuôi, nhất là ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covi-19, dẫn đến giá cả các mặt hàng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng, đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của đồng bào DTTS. Tình hình an ninh – chính trị, trật tự - an toàn xã hội ở một số vùng trong đồng bào DTTS còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn; các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai, nghèo đói, kích động để chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm cho một bộ phận đồng bào DTTS chưa thật sự yên tâm để lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Trình độ năng lực cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, chưa đủ khả năng để giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, một số cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể xã và Buôn chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, chưa mặn mà, chưa hiểu được ý nghĩa to lớn của Cuộc vận động nên Cuộc vận động chưa lan tỏa rộng khắp.
      Vượt qua tất cả khó khăn, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến nay, đa số đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo đã thay đổi tư duy, nhận thức về sự trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, đã tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình; nhiều buôn làng đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường, tham gia các lớp học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ, thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất. Qua đó đời sống trong đồng bào DTTS được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dáng kể, buôn làng ngày càng khang trang. Đến cuối năm 2021 số hộ nghèo giảm xuống còn 3.318 hộ giảm 4.274 hộ so với năm 2011. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao so với tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn chiếm 94,4%, chiếm 25,01% tổng số hộ đồng bào DTTS.
      Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, rút kinh nghiệm từ thực tế, để tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 23 tháng 5 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, các ban ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động; nhân rộng mô hình điểm đến các buôn làng có người đồng bào DTTS sinh sống. Tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS; hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai các mô hình, đánh giá được những mặt được, mặt tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức triển khai Cuộc vận động.
Nguyễn Tiến Thành
Ban Dân vận Huyện ủy Krông Pa