Xây dựng và phát huy vai trò Người có uy tín tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên địa bàn huyện Krông Pa năm 2022

22/03/2023
Trong thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 16/4/1946, có đoạn viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xê đăng hay Bah nar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt.....”; thấm nhuần lời dạy của Bác, trong thời gian qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện Krông Pa không ngừng được củng cố, mở rộng; lòng yêu nước, ý chí tự hào dân tộc được phát huy; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên; mối quan hệ phối hợp giữa các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân ngày càng gắn bó hơn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Krông Pa luôn chú trọng thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; đặc biệt là công tác chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chương trình công tác Mặt trận, nhằm xây dựng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; theo những nguyên tắc cơ bản: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển”.
f143460a0f9fd2c18b8e.jpg
Quang cảnh Hội nghị biểu dương người uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS năm 2022
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Kết luận số 01/KL-ĐCT, ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 58 vị được UBND tỉnh và huyện công nhận là Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Các cá nhân người uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS luôn phát huy vai trò của mình trong cộng đồng dân cư, làm tốt công tác tuyên truyền vận động bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, quy ước, hương ước của thôn, làng. Với tinh thần gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, tập hợp quần chúng trên mỗi địa bàn dân cư; các vị già làng, người uy tín luôn chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục, bắt đầu từ con cháu trong gia đình, rồi đến dòng họ và tới khu dân cư về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình,... Bên cạnh đó, các vị già làng, người có uy tín thường xuyên gần gũi với các hộ gia đình trong cộng đồng khu dân cư để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và kịp thời vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không tin, không nghe những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiêu biểu có: ông Nay Lưn và ông Alê Nút xã Chư Ngọc; ông Ksor Dlơk thị trấn Phú Túc; ông Nay Nuanh xã Ia Dreh; ông Rcom Du xã Phú Cần; ông Nay Loan xã Uar; ông Ksor Rúi xã Chư Gu; ông Ksor Blênh xã Ia Mlah …, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của những người có uy tín trong cộng đồng người DTTS luôn được tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở.
Bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, các vị Người uy tín tiêu biểu trên địa bàn huyện luôn phát huy vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: tuyên truyền vận động tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị ở nông thôn tại địa bàn khu dân cư.
Trong thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn huyện phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể tổ chức được trên 120 buổi tuyên truyền, vận động với trên 7.200 lượt người tham dự, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được nâng lên. Tiểu biểu già làng TDP 5 (thị trấn Phú Túc) đã phối hợp với các đoàn thể ở TDP hòa giải thành công 02 vụ việc về tranh chấp đất đai, đánh nhau, mâu thuẫn vợ chồng; ở xã Ia Mlah có ông Ksor Blênh tích cực phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong buôn tổ chức hòa giải thành công 05 vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ Nhân dân;  ở xã Chư Ngọc có ông Nay Lún (buôn H'Muk) tham gia cùng với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể hòa giải được nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; ở xã Chư Gu có ông Ksor Rúi (buôn Ama Rốc) tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân trong buôn chung tay xây dựng nông thôn mới như: hiến đất mở đường giao thông nông thôn; vận động con, cháu, dòng họ giữ gìn vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường …. Các vị già làng, người uy tín giữa vai trò rất quan trọng trong việc hòa giải các vụ việc xảy ra ở trong buôn, làng.
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, những cá nhân có uy tín tiêu biểu thường xuyên phối hợp với các ban ngành ở địa phương tổ chức trên 116 buổi tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS. Tiêu biểu thực hiện trong thời gian qua: Các vị già làng trên địa bàn xã Uar đã vận động bà con Nhân dân hiến đất làm đường. Kết quả: đã vận động bà con Nhân dân đóng góp được hơn 1.200 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn thôn, buôn, làm công trình nước sạch và nhà vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Bên cạnh đó, các vị già làng, người uy tín trên địa bàn huyện luôn phát huy vai trò của mình vận động bà con Nhân dân trong buôn, làng giữ gìn vệ sinh môi trường, không thả rong gia súc, đào hố chứa rác thải, làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nơi ở; vận động bà con nhân dân chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và không lấn chiếm đất công, hành lang giao thông…
Các vị già làng, người có uy tín tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”: tham gia phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư tuyên truyền, vận động bà con nhân dân biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong lao động sản xuất, thay đổi nếp nghĩ để vươn lên thoát nghèo, qua đó giúp các hộ nghèo nâng cao nhận thức, từng bước chuyển biến về “nếp nghĩ - cách làm”; chủ động, tích cực trong lao động sản xuất; biết tiết kiệm chi tiêu hợp lý trong gia đình; tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ nhau thoát nghèo. Tiêu biểu như ông Siu Drung (buôn Suối Cẩm, xã Chư Drăng) đi đầu trong việc phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, mấy năm gần đây thu nhập từ các loại cây trồng, vật nuôi, buôn bán hàng tạp hóa đạt trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 05 lao động và giúp đỡ 02 hộ nghèo biết cách làm ăn vươn lên thoát nghèo; Ông Ksor Dlông (buôn Nung, xã Chư Drăng) thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong lao động, sản xuất, giúp đỡ hộ nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, hàng năm hộ gia đình ông thu nhập trên 150 triệu đồng/ năm từ các loại cây trồng và chăn nuôi; Ông Nay Loan (buôn Ngôl, xã Uar) biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao vào trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm hộ gia đình ông thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm; Ông Ksor Dao (buôn Siu, xã Ia Rmok) biết áp dựng khóa học kỹ thuật vào trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, vận động bà con trong buôn xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong phát triển sản xuất và chăn nuôi; ông Alê Alê Nút (buôn Chư Ung, xã Chư Ngọc) vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Từ những việc làm cụ thể của các vị đã góp phần chuyển biến nhận thức cho bà con nhân dân, nhất là các hộ nghèo, thấy được lợi ích thiết thực của cuộc vận động và đã tích cực hưởng ứng thực hiện, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, biết chi tiêu hợp lý trong gia đình, để giành nguồn vốn tái đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi và vươn lên thoát nghèo.
Đối với công tác xã hội và các hoạt động nhân đạo từ thiện, các vị già làng, người có uy tín tiêu biểu ở cộng đồng dân cư luôn thực hiện gương mẫu và vận động nhân dân tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ quỹ “vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt,
Các vị có uy tín tiêu biểu là những người có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng và xã hội, tận tụy, gương mẫu trong phong trào. Đây chính là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động Nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch; giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi; giải quyết các vụ tranh chấp khiếu kiện, hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (đã hòa giải trên 186 vụ việc ở cơ sở); đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, ý đồ  hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch và các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khác, nhất là trong phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo, kích động đồng bào DTTS tham gia gây rối, gây bạo loạn; qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng vững chắc. Tiêu biểu ở TDP 5 thị trấn Phú Túc có mô hình điểm về an ninh trật tự; ở buôn Choanh xã Uar có mô hình “Tổ tự quản ở cộng đồng dân cư”...
26e161a32836f568ac27.jpg17c78383ca1617484e07.jpg
Hình ảnh: tổ chức trao Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho các cá nhân điển hình
Ghi nhận những kết quả đã đạt được của lực lượng người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS, hằng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện luôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện tổ chức lựa chọn, đề xuất những gương điển hình, có thành tích xuất sắc để đề nghị UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp khen thưởng cho các già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện. Trong năm 2022, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tặng cho 12 vị già làng, người có uy tín; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương, tặng quà đối với 58 vị và khen thưởng đối với 24 vị già làng, người uy tín tiêu biểu (trong đó UBND huyện tặng giấy khen 14 vị và Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện tặng giấy khen 10 vị).
Có thể khẳng định, lực lượng người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Pa trong thời gian qua đã luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do Mặt trận các cấp, các ngành và các đoàn thể nhân dân phát động; xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân gửi gắm.
CAO THỊ VIỄN PHƯƠNG